BẢO TỒN NỀN ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC

Nhạc cổ truyền hay dòng nhạc dân tộc được coi là dòng chảy từ ngàn xưa lưu truyền cho đến nay. Ngay từ thời cổ, cư dân Việt Nam đã sáng tạo và coi âm nhạc như một nhu cầu tinh thần không thể thiếu.
      Chính quan niệm này mà nối tiếp quá trình phát triển lịch sử người dân Việt Nam đã tự sáng tạo ra những điệu nhạc, những khí cụ với nhiều thể loại khác nhau. Mỗi làn điệu, mỗi nhạc cụ lại mang một thông điệp nhưng tựu trung lại vẫn là những tâm tư, khát vọng, bộc lộ những tình cảm cổ vũ tinh thần mọi người để có sức mạnh trong lao động, chiến đấu và còn để giáo dục con cháu về truyền thống của cha ông, của dân tộc.

      Theo thống kê của Viện Âm nhạc, hiện nay nước ta có hơn 17 nghìn bài dân ca, gần 9 nghìn bài dân nhạc của 54 dân tộc, 75 vở diễn sân khấu và diễn xướng dân gian, do 1.848 nghệ nhân hát và đàn. Trong đó nhạc đàn có 803 thể loại, nhạc hát có 1.045 thể loại.  Con số này đã nói lên sự phong phú cũng như vị trí của dòng nhạc dân tộc trong đời sống tinh thần người Việt xưa. Cái khác lạ và độc đáo của âm nhạc cổ truyền chính là sự hội tụ những nét đẹp văn hoá được đúc kết qua nhiều quá trình lịch sự. Và sự khác biệt bản sắc dân tộc đã tạo cho âm nhạc Việt Nam mang một hơi thở khác biệt. Theo Giáo sư Trần Văn Khê thì: “Âm nhạc Việt Nam có những cá tính mà có thể không tìm ra được ở những nền âm nhạc khác. Mặc dù ở Châu Á, cạnh các nước Đông Á và Đông Nam Á nhưng âm nhạc dân tộc Việt Nam không thể bị nhầm lẫn với âm nhạc của Trung Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan…mà nó mang một cá tính riêng”.  Điều này lý giải tại sao bạn bè nước ngoài lại rất thích nghe ca trù, chèo… của Việt Nam. Phải chăng chính cái riêng đó đã tạo cho dòng nhạc cổ này sức hút đến kỳ lạ. Trong Đêm vinh danh ca trù diễn ra tại Hà Nội vừa qua đã thu hút một lượng lớn khách nước ngoài. Các nghệ sĩ ca trù đến từ các tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, ... đã biểu diễn một đêm ca trù ấn tượng. Khán giả trong nước và nước ngoài đã ngỡ ngàng trước những âm trầm bổng rất lạ của thể loại này. Các đêm nhạc ca trù như vậy đang  tạo những bước tiến trong việc khơi dậy nền âm nhạc cổ truyền, đưa nó trở về với đúng vị trí của nó.

      Thảo luận xung quanh vấn đề nhạc cổ truyền đang dần bị quên lãng giáo sư Trần Văn Khê đã nhận xét: không phải nhạc cổ truyền Việt Nam bị lãng quên, bởi dòng nhạc đó rất đặc biệt, không thể dễ quên. Nó bị quên là do dòng nhạc dân tộc đã phải trải qua nhiều khó khăn. Từ khi nước ta là thuộc địa, rồi chiến tranh liên miên, tất cả những điều khách quan đấy đã đẩy lùi âm nhạc sang một bên. Cuộc chiến tranh khiến chúng ta không có thời gian để giới thiệu hay quan tâm đến âm nhạc. Do đó, dòng nhạc dân tộc không được phổ biến rộng rãi, chứ thực tế mình không thể quên nhạc cổ truyền. Vấn đề lãng quên hay không lãng quên phụ thuộc rất lớn vào sự quảng bá của ngành văn hoá và các ban ngành liên quan. 
      Dòng nhạc dân tộc Việt Nam không chỉ bao hàm những khúc hát, những điệu hò như: chèo, tuồng, hát xẩm,…mà nó còn bao hàm cả các nhạc cụ độc đáo. Điển hình như Cồng chiêng của dân tộc Tây Nguyên, đàn bầu, đàn nguyệt, nhã nhạc cung đình Huế…Viện Âm nhạc phối hợp với Cục Di sản văn hoá đã tiến hành thu thập, bảo tồn và lưu giữ các nhạc cụ truyền thống đó. Tuy nhiên công việc lưu truyền này còn gặp không ít những khó khăn bởi không phải ai cũng biết chơi các nhạc cụ dân tộc ấy. Hiện nay, sách cũng như các lớp giảng dạy nhạc cụ dân gian rất hiếm. Hầu hết, cách chơi các nhạc cụ này được lưu truyền bằng phương pháp truyền khẩu dân gian qua từng thế hệ. Nhưng hiện nay rất  nhiều nghệ nhân dân gian sở hữu một kho kiến thức về nhạc cổ truyền đang ở cái độ tuổi thất thập mà không có học trò nối nghiệp. Và có một thực tế đáng buồn là tại sao người nước ngoài yêu thích dòng nhạc cổ của dân tộc ta nhưng chính chúng ta những chủ nhân lại quay lưng với nó? Số lượng người nước ngoài đến Việt Nam với mục đích tìm hiểu, được xem và tận mắt chứng kiến các nghệ nhân Việt Nam chơi các nhạc cụ dân tộc ngày càng nhiều. Trong khi đó, số lượng người Việt Nam biết về nó thì ít đến không tưởng. Không chỉ những người ngoài ngành mà ngay những người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, âm nhạc cũng không nắm rõ, thậm chí không biết về dòng nhạc dân tộc này. Nhạc Viện Hà Nội là một trong rất ít các địa chỉ có đào tạo và giảng dạy về nhạc cổ truyền. Dù vậy nhưng số lượng sinh viên theo học ngành này rất ít. 

      Có rất nhiều phương án được đưa ra để bảo tồn âm nhạc cổ truyền. Nhưng dường như mọi phương án mới chỉ nằm trên bàn hội thảo chứ chưa được đưa vào thực tế. Theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, có ba biện pháp để bảo tồn nhạc cổ truyền: Duy trì trong không gian thực hành nghệ thuật; kết hợp giữa giáo dục và đào tạo; sử dụng giải pháp công nghệ trong việc lưu giữ và thống kê nhạc cổ. Trên thực tế, nhu cầu xã hội đã tạo ra những môi trường khác lạ, sự ra đời của sân khấu mới là hệ quả tất yếu cho sự thất truyền của sân khấu nhạc cổ truyền. Và không có cách nào khác là chúng ta phải phổ biến, giáo dục và  giảng dạy trong đông đảo công chúng. Hầu hết dòng âm nhạc cổ truyền chỉ được phản ánh trên báo chí chứ không hề được phổ biến đại chúng. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người không được biết đến âm nhạc cổ truyền là gì. Và khi đã không biết, không hiểu về nó thì không thể yêu mến và lưu giữ nó.   

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đàn Nguyệt dân tộc Việt Nam